Science & Technology Development Journal: NATURAL SCIENCES

An official journal of University of Science, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original Research

HTML

863

Total

375

Share

Antimicrobial resistance profile of extended- spectrum Beta-Lactamase producing Escherichia Coli at Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The antimicrobial resistance profile of extended-spectrumb -lactamase (ESBL) producing E. coli has been continuously changed in recent years in Vietnam and wordwide. A number of studies recently found that the prevalences of ESBL-producing E. coli decreased in Vietnam from 2016 to 2017 compared with those in previous years. The purpose of this study was to determine the prevalence and antimicrobial profile of ESBL-producing E. coli isolated from clinical specimens in Binh Dan hospital and from healthy individuals at Ho Chi Minh City in 2018. The results showed that the prevalence of ESBL-producing E. coli isolated from healthy individuals in 2018 and 2017 were nearly equal. The prevalence increased from 14.9% in 2017 up to 19.1% in 2018. The prevalence of ESBL-producing E. coli isolated from healthy individuals in Ho Chi Minh City was lower than that in other parts of Viet Nam. The prevalence of ESBL-producing E. coli isolated from clinical pecimens in Binh Dan hospital (22.25%) was lower than those in some other hospitals but higher compared with it from healthy individuals (19.1%). All of the ESBL-producing isolates were multidrug resistant and high resistance to aminoglycoside or quinolone. Imipenem and fosfomycin have still be considered as the treatment of choice against ESBL- producer infections. High resistance rate of E. coli isolated from blood specimens to imipenem was found in the study.

MỞ ĐẦU

E. coli là trực khuẩn Gram âm, thuộc họ vi khuẩn đường ruột, là một trong những tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến nhất ở Việt Nam 1 . β-lactamase phổ mở rộng (ESBL) là những enzyme có khả năng thủy phân hầu hết các penicillin, cephalosporin, monobactam (aztreonam) nhưng không thủy phân các cephamycin và carbapenem, và còn nhạy cảm với các hợp chất ức chế β-lactamase như clavulanate, sulbactam, tazobactam 2 . Hơn nữa, vi khuẩn sinh ESBL còn đề kháng với nhiều kháng sinh khác không phải β-lactam như quinolone, aminoglycoside, sulfamethoxazole-trimethoprim 2 làm hạn chế lựa chọn kháng sinh trong điều trị. Do đó, nhiễm trùng do E. coli sinh ESBL dễ gây thất bại điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. Gần đây, nhiều nghiên cứu về tỷ lệ đề kháng kháng sinh trong vi khuẩn E. coli đặc biệt là E. coli sinh ESBL phân lập từ bệnh nhân trong môi trường bệnh viện và cả từ những người khỏe mạnh ngoài cộng đồng đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới 3 , 4 , 5 , 6 , 7 . Một số báo cáo cho thấy tỷ lệ E. coli sinh ESBL tại Việt Nam trong thời gian qua biến động liên tục qua các năm, với các số liệu gia tăng từng năm 2010 (40%), 2015 (51%) và bắt đầu giảm từ 2016 (45%), 2017 (14,9%) 8 , 9 , 7 , 10 , 11 . Tuy nhiên tỷ lệ E. coli sinh ESBL tại bệnh viện Bình dân, một bệnh viện hàng đầu về phẫu thuật tổng quát và tiết niệu, chưa có số liệu được công bố trong những năm qua. Tỷ lệ E. coli sinh ESBL từ người khỏe mạnh tại TP. Hồ Chí Minh có một công bố vào năm 2017 với lượng mẫu nhỏ chưa đại diện được cho cả dân số thành phố 9 . Nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ và đặc điểm đề kháng kháng sinh của vi khuẩn E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và từ bệnh phẩm tại Bệnh viện Bình Dân năm 2018. Kết quả nghiên cứu góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về tình hình đề kháng kháng sinh của E. coli phân lập từ người khỏe mạnh và bệnh phẩm tại TP. Hồ Chí Minh.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

Vật liệu

Mẫu nghiên cứu gồm 216 mẫu phân của người khỏe mạnh từ 8 phường của 4 quận: quận 1, quận 5, quận 8, quận 9 TP. Hồ Chí Minh và 710 chủng E. coli (từ máu, dịch, mủ, nước tiểu) thu thập từ Bệnh viện Bình Dân – TP. Hồ Chí Minh từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2018.

Phương pháp lấy mẫu

Mẫu bệnh phẩm

Được lấy theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện 12 . Cụ thể, thu thập toàn bộ chủng E. coli phân lập được từ các loại bệnh phẩm khác nhau tại Phòng Xét nghiệm vi sinh của Bệnh viện Bình Dân TP. Hồ Chí Minh trong thời gian nghiên cứu từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2018. Chủng vi khuẩn được bảo quản trong môi trường tryptic soy broth có chứa 20% glycerol vận chuyển về phòng thí nghiệm và được bảo quản ở -30 o C cho đến khi làm thí nghiệm.

Mẫu phân người khỏe mạnh

Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên nhiều giai đoạn 12 được sử dụng để lấy mẫu phân từ người khỏe mạnh, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, dân số TP. Hồ Chí Minh được nhóm thành 24 cụm, mỗi cụm là một quận hoặc huyện. Từ đó, 4 cụm được rút ra một cách ngẫu nhiên. Trong mỗi cụm chọn được, tiếp tục chọn ngẫu nhiên ra 2 phường. Trong mỗi phường chọn ngẫu nhiên ra 40 hộ gia đình. Trong mỗi hộ gia đình chọn một người khỏe mạnh (là người không có dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng và mỗi phường gồm 20 nam và 20 nữ) để lấy mẫu phân.

Phân lập định danh E. coli, xác định kiểu hình ESBL và tính nhạy cảm kháng sinh

Mẫu phân được phân lập và định danh E. coli theo quy trình của Athumani Msalale Lupindu 2017 13 . Tất cả các chủng E. coli được xác định kiểu hình ESBL bằng kỹ thuật đĩa kháng sinh kết hợp, sử dụng CTX (30 µg), CAZ (30 µg), CTX/clavulanic acid (30 µg/10 µg) và CAZ/clavulanic acid (30 µg/10 µg) theo hướng dẫn CLSI 2017 14 . E. coli ATCC 25922 được sử dụng làm chủng chứng âm và K. pneumoniae ATCC 700603 được sử dụng làm chủng chứng dương cho kiểu hình ESBL. Các chủng E. coli dương tính kiểu hình ESBL được thử tính nhạy cảm kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán kháng sinh trong thạch với đĩa giấy tẩm kháng sinh có sẵn trên thị trường của Oxoid gồm 12 kháng sinh thuộc 10 lớp kháng sinh bao gồm ampicillin [AMP] (10 µg), cefoxitin [FOX] (30 µg), imipenem [IPM] (30 µg), gentamicin [GEN] (10 µg), kanamycin [KAN] (30 µg), streptomycin [STR] (10 µg), nalidixic acid [NAL] (30 µg), ciprofloxacin [CIP] (5 µg), tetracyclin [TET] (30 µg), chloramphenicol [CHL] (30 µg), fosfomycin [FOF] (200 µg), sulfamethoxazole-trimethoprim [SXT] (25 µg). Chủng E. coli ATCC 29522 được sử dụng làm chủng kiểm soát quy trình.

Phân tích số liệu

Sử dụng phần mềm epidata 3.0 để nhập liệu, stata 10.0 để phân tích số liệu và thống kê tính tỷ lệ phần trăm E. coli sinh ESBL. Để so sánh sự khác biệt về tỷ lệ E. coli sinh ESBL và tỷ lệ kháng kháng sinh giữa các nhóm E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh và nhóm E. coli sinh ESBL phân lập từ bệnh phẩm, sử dụng phép kiểm chi bình phương khi giá trị mong đợi ≥ 5 hoặc Fisher test khi giá trị mong đợi ≤ 5 ở mức ý nghĩa 5%. Các giá trị p < 0,05 được xem là khác biệt có ý nghĩa.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Phân lập E. coli từ mẫu phân người khỏe mạnh và tỷ lệ chủng E. coli sinh ESBL

Figure 1 . Kết quả phân lập và định danh chủng E. coli T11 từ mẫu nước tiểu . ( A ) Khuẩn lạc E. coli trên môi trường thạchMac Conkey. ( B ) Kết quả nghiệm pháp IMViC: A: Indol (+), B: Methyl red (+), C: VP (-), D: Citrate (-)

Từ 216 mẫu phân của người khỏe mạnh của tám phường thuộc bốn quận thành phố Hồ Chí Minh đã phân lập được 215 chủng E. coli có hình dạng khuẩn lạc điển hình trên môi trường thạch chọn lọc Mac Conkey. ( Figure 1 A) và thỏa nghiệm pháp IMViC: Indol (+), methyl red (+), VP (-), citrate (-) ( Figure 1 B). Các chủng này được xác định kiểu hình sinh ESBL bằng phương pháp đĩa kháng sinh kết hợp ( Figure 2 ).

Figure 2 . Kiểu hình ESBL của chủng E. coli T11 phân lập từ mẫu nước tiểu được xác định bằng phương pháp đĩa kháng sinh kết hợp. Cz: ceftazidime; Ct: cefotaxime; Zc: ceftazidime/clavulanic; Zt: cefotaxime/clavulanic acid

Kết quả tổng hợp về sự phân bố các chủng E. coli sinh ESBL: trong số 215 chủng E. coli phân lập từ mẫu phân người khỏe mạnh tại bốn quận của TP. Hồ Chí Minh có 41 chủng E. coli sinh ESBL, chiếm tỷ lệ 19,1% ( Table 1 ).

Table 1 Sự phân bố chủng E. coli sinh ESBL theo các quận

So với một số nghiên cứu trong nước trước đây, tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh trong nghiên cứu này (19,1%) có phần thấp hơn. Cụ thể kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Mai Hương 2013 đến 2014 cho thấy tỷ lệ E. coli sinh ESBL ở người khỏe mạnh tại tỉnh Ba Vì - Hà Nội Việt Nam 2013 (46–52%), 2014 (46%). Trong năm 2015 một báo cáo được công bố cho thấy tỷ lệ E. coli sinh ESBL ở người khỏe mạnh tại Việt Nam là (51%) 7 . Năm 2016 một nghiên cứu tại Thành phố Nha Trang cho thấy có 73,5% nhân viên bán thịt heo trong siêu thị có mang E. coli sinh ESBL 8 . Tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh tại TP. Hồ Chí Minh trong nghiên cứu này gần tương đồng với kết quả một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 cũng được thực hiện trên người khỏe mạnh tại TP. Hồ Chí Minh nhưng với lượng mẫu ít hơn 67 chủng E. coli phân lập từ người khỏe mạnh có 10 chủng sinh ESBL (14,9%) 9 . Nhìn chung, tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh trong thời gian qua tại Việt Nam thay đổi tùy theo vị trí địa lý, tỷ lệ này tại TP. Hồ Chí Minh dao động từ 14,9% 9 đến 19,1%.

So với một số nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ E. coli sinh ESBL trong nghiên cứu này thấp hơn so với các nước trong khu vực như Lào (70,2%) 7 , Thái Lan (28,6%) 4 . Kết quả này cao hơn so với một số nước khác như Tây Ban Nha (7,4%) 15 , Hàn Quốc (9,5%) 16 , Anh Quốc (11%) 6 .

Tỷ lệ E. coli sinh ESBL trong các quận nội thành gồm quận 1, quận 5 và quận 8 gần như tương đương nhau, dao động từ 17,5% đến 18,6% trong khi đó tỷ lệ này ở quận 9, chiếm 30% ( Table 1 ). Kết quả khác biệt này có thể do quận 9 là một quận ven, có số dân làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao (7% dân số) nên kiến thức về sử dụng kháng sinh vẫn còn rất hạn chế, các cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường cung cấp kháng sinh một cách không cần thiết cho các trường hợp cảm cúm thông thường dẫn đến tăng tính đề kháng kháng sinh của vi khuẩn trong cộng đồng 1 .

Tóm lại, tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh tại TP. Hồ Chí Minh năm 2018 thấp hơn một số tỉnh khác ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều giữa năm 2017 và 2018 tăng từ 14,9% lên 19,1%. Tỷ lệ này tại các quận nội thành thấp hơn so với quận ven thành phố.

Tỷ lệ chủng E. coli sinh ESBL phân lập từ mẫu bệnh phẩm

Từ 710 chủng E. coli (từ máu, dịch, mủ, nước tiểu) thu thập từ Bệnh viện Bình Dân - TP. Hồ Chí Minh từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2018, bằng phương pháp đĩa kháng sinh kết hợp, đã xác định được 158 chủng E. coli sinh ESBL, chiếm tỷ lệ 22,25%. Trong đó, E. coli sinh ESBL phân lập từ máu là 13 chủng chiếm tỷ lệ 28,9%; từ mủ là 76 chủng (18,5%); từ dịch là 28 chủng (34,6%) và từ nước tiểu là 41 chủng (23,6%) ( Table 2 ).

So với một số nghiên cứu trong nước trước đây, tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ mẫu bệnh phẩm vào năm 2009 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là 54,7%, tại Bệnh viện Việt Đức là 57,3%, Bệnh viện Huế 33,9%, Bệnh viện Đà Nẵng 23,9%, Bệnh viện Bình Định 35,8%, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là 38,1%, Bệnh viện Chợ Rẫy 40,9% 17 , tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2010 là 40% 10 , tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh năm 2018 là 34,1% 18 . Trong nghiên cứu này, tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Bình Dân năm 2018 thấp hơn một số Bệnh viện khác trong nước có thể là do tỷ lệ nhiễm E. coli sinh ESBL của mỗi bệnh viện khác nhau, cũng có thể do nghiên cứu được thực hiện tại những thời gian khác nhau.

Tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ các loại bệnh phẩm trong nghiên cứu này dao động từ 18,5% đến 34,6% ( Table 2 ). Trong đó, E. coli sinh ESBL phân lập từ máu chiếm tỷ lệ 28,9% cao hơn so với một nghiên cứu ở Trung Quốc được công bố năm 2016 là 27,5% 5 . Tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ nước tiểu là 23,6% thấp hơn một nghiên cứu ở Ai Cập được công bố vào tháng 2 năm 2020 là 59,7% 19 .

Table 2 Sự phân bố chủng E. coli sinh ESBL theo loại bệnh phẩm

Tóm lại, tỷ lệ E. coli sinh ESBL phân lập từ mẫu bệnh phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 thấp hơn so với một số nghiên cứu trong nước và trên thế giới trong những năm gần đây.

Đặc điểm đề kháng kháng sinh của các chủng E. coli sinh ESBL phân lập từ người khỏe mạnh và bệnh phẩm

181 chủng E. coli có kiểu hình ESBL dương tính được thử tính nhạy cảm kháng sinh bằng kỹ thuật khuếch tán kháng sinh trong thạch ( Figure 3 ).

Figure 3 . Kết quả thử tính nhạy cảm kháng sinh của chủng T11 bằng kỹ thuật khuếch tán kháng sinh trong thạch, kháng với 10 loại kháng sinh (ampicillin, nalidixic acid, ciprofloxacin, tetracyclin, kanamycin, cefoxitin, gentamycin, streptomycin, chloramphenicol, và sulfamethoxazole-trimethoprim), nhạy cảm với 2 kháng sinh (imipenem, fosfomycin)

Tỷ lệ đề kháng của các chủng E. coli sinh ESBL trong nghiên cứu này với ampicillin, nalidixic acid, tetracyclin, ciprofloxacin, streptomycin, sulfamethoxazole-trimethoprim, gentamycin, kanamycin ở mức cao, dao động từ 42,9% đến 100%. Điều này cho thấy những kháng sinh này không phải là lựa chọn thích hợp để điều trị những vi khuẩn sinh ESBL bởi vì ESBL có hoạt tính phá hủy tất cả các penicillin, ampicillin, amoxicillin, atreonam và các cephalosporin các thế hệ 1, 2, 3 và 4 đồng thời gene ESBL thường nằm trên những plasmid có mang những gene kháng kháng sinh khác như aminoglycoside, quinolone, sulfonamide và tetracylin nên những chủng vi khuẩn sinh ESBL thường đa kháng và kháng luôn những kháng sinh thuộc các nhóm trên 2 . So với một số nghiên cứu trên thế giới, kết quả này có một số tương đồng như sau: tỷ lệ đề kháng với ampicillin của các chủng E. coli sinh ESBL gần như là 100% 20 , 21 . Tỷ lệ đề kháng với các kháng sinh nalidixic acid, ciprofloxacin, gentamycin, kanamycin, sulfamethoxazole-trimethoprim, tetracyclin, cao hơn một số nghiên cứu khác trên thế giới 20 , 21 , 22 . Chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao ở Việt Nam là hậu quả của việc tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật bị tồn dư kháng sinh cao của người Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế là các kháng sinh tetracyclin, quinolone, aminoglycoside là những kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi ở Việt Nam từ heo, gà, trâu, bò đến thủy sản với mục đích phòng ngừa bệnh và tăng trọng cho vật nuôi. Sự tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, trong môi trường vượt quá giới hạn cho phép đã đưa đến tình trạng đề kháng cao của vi khuẩn đối với những kháng sinh này 1 . Ngoài ra, việc mua kháng sinh không cần kê đơn tại Việt Nam cũng góp phần làm tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc. Theo một nghiên cứu cộng đồng năm 2007, 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn 1 .

Tỷ lệ đề kháng với kháng sinh aminoglycoside như gentamicin, kanamycin, hay với kháng sinh thuộc nhóm quinolone (nalidixic acid) và fluoroquinolone (ciprofloxacin) khác nhau giữa 2 nhóm E. coli . Cụ thể, nhóm E. coli phân lập từ bệnh phẩm có tỷ lệ đề kháng với các kháng sinh này cao hơn nhóm E. coli phân lập từ người khỏe mạnh (p < 0,05).

Trong khi tỷ lệ đề kháng với tetracyclin trong cả 2 nhóm E. coli phân lập từ người khỏe mạnh và từ bệnh phẩm là như nhau, dao động từ 87% đến 89% thì tỷ lệ đề kháng với nhóm kháng sinh quinolone của E. coli phân lập từ bệnh phẩm cao hơn hẳn trong nhóm E. coli phân lập từ người khỏe mạnh 96% và 83% theo thứ tự nalidixic acid và ciprofloxacin trong nhóm bệnh phẩm so với 71% và 43% trong nhóm người khỏe mạnh ( Table 3 ). Điều này có thể do tetracyclin gần đây bị hạn chế sử dụng trong bệnh viện để điều trị nhiễm trùng do tỷ lệ đề kháng cao của vi khuẩn với kháng sinh này, do không có áp lực chọn lọc kháng sinh tetracyclin trong bệnh viện nên tỷ lệ đề kháng của vi khuẩn với kháng sinh này là như nhau giữa nhóm vi khuẩn trong môi trường bệnh viện và nhóm trong cộng đồng. Quinolone là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều trong bệnh viện để điều trị một số nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng tiết niệu, do kháng sinh này thải phần lớn dưới dạng còn nguyên hoạt tính qua đường tiểu nhưng không gây độc cho thận như một số kháng sinh khác. Bệnh viện Bình Dân, nơi lấy mẫu bệnh phẩm cho nghiên cứu này, là một bệnh viện hàng đầu về phẫu thuật tổng quát và tiết niệu vì vậy kháng sinh quinolone được sử dụng khá nhiều, chính điều này đã góp phần làm cho tỷ lệ đề kháng của vi khuẩn với kháng sinh nhóm quinolone rất cao ( Table 3 ).

Tỷ lệ đề kháng với kanamycin, cefoxitin, và chloramphenicol ở mức trung bình từ 17,9% đến 58,2% ( Table 3 ). Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy, tỷ lệ kháng với imipenem và fosfomycin trong cả 2 nhóm E. coli sinh ESBL đều ở mức thấp dao động từ 0–7,2%. Kết quả này tương đồng với một số nghiên cứu trên thế giới là tỷ lệ đề kháng với imipenem và fosfomycin còn thấp <10% 22 , 21 . Qua đây nhận thấy imipenem và fosfomycin vẫn còn là những lựa chọn thay thế để điều trị những chủng E. coli sinh ESBL. Tuy nhiên, riêng nhóm E. coli sinh ESBL phân lập từ máu có tỷ lệ đề kháng với imipenem cao hơn đáng kể so với những loại bệnh phẩm còn lại ( Table 3 ). Đây là một lưu ý cho các nhà thực hành lâm sàng cần thận trọng hơn khi sử dụng imipenem để điều trị những nhiễm trùng máu do E. coli sinh ESBL vì có thể gây thất bại điều trị.

Table 3 So sánh tỷ lệ đề kháng kháng sinh của E. coli sinh ESBL trong nhóm người khỏe mạnh và bệnh phẩm.

So sánh kiểu hình đề kháng trong các loại bệnh phẩm khác nhau, cho thấy tính đề kháng với các kháng sinh imipenem, streptomycin, nalidixic acid, tetracyclin, fosfomycin, sulfamethoxazole-trimethoprim khác nhau giữa các nhóm E. coli phân lập từ 4 nhóm bệnh phẩm khác nhau. Cụ thể, nhóm E. coli phân lập từ máu có tỷ lệ đề kháng với imipenem cao hơn hẳn so với các nhóm E. coli từ các loại bệnh phẩm khác; ngược lại, tỷ lệ đề kháng của chúng với streptomycin, nalidixic acid, tetracyclin và sulfamethoxazole-trimethoprim thấp hơn hẳn so với các nhóm E. coli từ các loại bệnh phẩm khác (p < 0,05) ( Table 4 ).

Table 4 So sánh kiểu hình đề kháng kháng sinh của E. coli từ các nhóm bệnh phẩm khác nhau.

Tất cả 181 chủng trong nghiên cứu này đều là vi khuẩn đa kháng theo phân loại của Trung tâm Kiểm soát dịch và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC). Vi khuẩn đa kháng (MDR- multidrug resistant) là những vi khuẩn không nhạy cảm với ít nhất 1 kháng sinh trong 3 lớp kháng sinh trở lên 23 . Có tổng số 167 (92,3%) chủng kháng từ 5 kháng sinh trở lên, trong số đó có 8 chủng (4,4%) kháng từ 10 kháng sinh trở lên và có 1 chủng kháng nhiều nhất là 12 loại kháng sinh ( Table 4 ), kết quả này tương tự như một nghiên cứu năm 2018 tại Ả Rập Xê Út 20 . Điều này cho thấy, tất cả những chủng E. coli sinh ESBL đều là vi khuẩn đa kháng do đó lựa chọn kháng sinh để điều trị những nhiễm trùng này thật sự là một khó khăn cho các nhà lâm sàng.

Có 79 tổ hợp kiểu hình đề kháng, phổ biến nhất là tổ hợp của 6 kháng sinh ampicillin, gentamicin, streptomycin, nalidixic acid, tetracyclin, sulfamethoxazole-trimethoprim (10 chủng) và tổ hợp của 7 kháng sinh ampicillin, gentamicin, streptomycin, nalidixic acid, ciprofloxacin tetracyclin, sulfamethoxazole-trimethoprim (9 chủng). Các chủng đề kháng với ít nhất 2 kháng sinh (1 chủng) và cao nhất là 12 kháng sinh (1 chủng). Đa số các chủng đề kháng 7 kháng sinh (43 chủng) ( Table 5 ).

Table 5 Các tổ hợp kiểu hình đề kháng của các chủng E. coli sinh ESBL

KẾT LUẬN

Nghiên cứu này đã phát hiện tỷ lệ E. coli sinh ESBL tại Bệnh viện Bình Dân năm 2018 là 22,25% thấp hơn so với một số bệnh viện khác trong nước. Tỷ lệ E. coli sinh ESBL trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh thấp hơn một số địa phương khác của Việt Nam. các chủng E. coli sinh ESBL trong nghiên cứu này đều là vi khuẩn đa kháng, hầu hết đều kháng với β- lactam, tỷ lệ kháng với aminoglycoside và quinolone của nhóm E. coli phân lập từ bệnh phẩm cao hơn nhóm E. coli phân lập từ người khỏe mạnh. Tỷ lệ đề kháng với imipenem và fosfomycin còn thấp trong cả 2 nhóm. Riêng các chủng E. coli phân lập từ mẫu máu có tỷ lệ kháng imipenem tương đối cao. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu đặc điểm di truyền của các chủng E. coli sinh ESBL để tìm hiểu cơ chế đề kháng của các chủng này.

ĐẠO ĐỨC TRONG NGHIÊN CỨU Y SINH

Nghiên cứu đã được sự chấp thuận của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Bệnh viện Bình Dân (96/BVBD-QĐ)

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AMP: Ampicillin

ATCC: Bộ sưu tập chủng vi khuẩn của Hoa Kỳ (American Type Culture Collection)

CAZ: Ceftazidime

CDC: Trung tâm kiểm soát dịch và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention)

CHL: Chloramphenicol

CIP: Ciprofloxacin

CLSI: Viện Tiêu chuẩn Lâm sàng và Xét nghiệm Hoa Kỳ (The Clinical & Laboratory Standards Institute)

CTX: Cefotaxime

ESBL: Những β-lactamase phổ mở rộng (Extended-spectrum β-lactamases)

FOF: Fosfomycin

FOX: Cefoxitin

GEN: Gentamicin

IPM: Imipenem

KAN: Kanamycin

MDR: Vi khuẩn đa kháng (Multidrug resistant)

NAL: Nalidixic acid

STR: Streptomycin

SXT: Sulfamethoxazole-trimethoprim

TET: Tetracyclin

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tất cả các tác giả công bố không có xung đột lợi ích với bất cứ tổ chức cá nhân nào.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

  • Phan Thị Phượng Trang: Đóng góp ý tưởng, thiết kế thí nghiệm, soạn thảo bản thảo, chỉnh sửa và duyệt lần cuối

  • Nguyễn Lý Hoàng Ngân: Làm kháng sinh đồ, thống kê và phân tích số liệu, soạn thảo bản thảo, chỉnh sửa và duyệt lần cuối

  • Nguyễn Thị Kim Quyên: Thu thập mẫu, phân lập định danh vi khuẩn

References

  1. Kính N.V.. Phân tích thực trạng sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam. The Center for Disease Dynamics Economics and policy, Washington DC New Delhi. . 2010;:. Google Scholar
  2. Vân P.H., Bình P.T.. Kháng sinh-Đề kháng kháng sinh -Kỹ thuật kháng sinh đồ các vấn đề cơ bản thường gặp. Nhà xuất bản Y Học. . 2013;:79. Google Scholar
  3. Abdallah H.M., Alnaiemi N., Reuland E.A.. Fecal carriage of extended-spectrum β-lactamase- and carbapenemase producing Enterobacteriaceae in Egyptian patients with community-onset gastrointestinal complaints: a hospital -based cross-sectional study. Antimicrobial Resistance and Infection Control. . 2017;6:62. PubMed Google Scholar
  4. Runcharoen C.. Whole genome sequencing of ESBL producing Escherichia coli isolated from patients, farm waste and canals in Thailand. Runcharoen et al. Genome Medicine. . 2017;9:81. PubMed Google Scholar
  5. Quan J.. High prevalence of ESBL-producing Escherichia coli and Klebsiella pneumoniae in community-onset bloodstream infections in China. J Antimicrob Chemothe. . 2016;72(1):273-280. PubMed Google Scholar
  6. Michaela J.D., Katie L.H., David W.W.. Extended-spectrum β-lactamase-producing Escherichia coli in human-derived and foodchain-derived samples from England, Wales, and Scotland: an epidemiological surveillance and typing study. Lancet Infect Dis. . 2019;19:1325-1335. Google Scholar
  7. Nakayama T.. Wide dissemination of extended-spectrum β-lactamase-producing Escherichia coli in community residents in the Indochinese peninsula. Infection and Drug Resistance. . 2015;8:1-5. PubMed Google Scholar
  8. Hoang T.A.V.. Common findings of bla CTX-M-55-encoding 104-139 kbp plasmids harbored by extended-spectrum β-lactamase-producing Escherichia coli in pork meat, wholesale market workers, and patients with urinary tract infection in Vietnam. Current Microbiology. . 2016;74(2):203-211. PubMed Google Scholar
  9. Hoang P.H.. Antimicrobial resistance profiles and molecular characterization of Escherichia coli strains isolated from healthy adults in Ho Chi Minh City, Vietnam. The Journal of Veterinary Medical Science. . 2017;79(3):479-485. PubMed Google Scholar
  10. The Center For Disease Dynamics, Economics & Policy. The prevalence of ESBL-producing gram-negative bacteria in Bach Mai Hospital, Vietnam. . 2010;:. Google Scholar
  11. Bui T.M.H.. Carriage of Escherichia coli Producing CTX-M-type extended-spectrum β-lactamase in healthy Vietnamese individuals. Antimicrob Agents Chemother. . 2015;59(10):6611-6614. PubMed Google Scholar
  12. Elfil M., A. Negida. Sampling methods in Clinical Research an Educational Review. Published online. . 2017;:. Google Scholar
  13. Lupindu A.M.. Escherichia coli - Recent Advances on Physiology, Pathogenesis and Biotechnological Applications, Intech. . 2017;:. Google Scholar
  14. CLSI. Performance Standards for Antimicrobial Susceptibility Testing 27th ed. CLSI supplement M100. Wayne, PA: Clinical and Laboratory Standards Institute. . 2017;:. Google Scholar
  15. Rodriguez-Bano J, Picon E, Gijon P et al. Community-onset bacteremia due to extended-spectrum b-lactamase-producing Escherichia coli: risk factors and prognosis. Clin Infect Dis. . 2010;50:40-48. PubMed Google Scholar
  16. Kang CI, Song JH, Chung DR. Risk factors and treatment outcomes of community-onset bacteraemia caused by extended-spectrum b-lactamase-producing Escherichia coli. Int J Antimicrob Agents. . 2010;36:284-287. PubMed Google Scholar
  17. Hợp tác toàn cầu về kháng kháng sinh GARP - Việt Nam. . ;:. Google Scholar
  18. Thuy DB, Campbell J, Nhat LTH, Hoang NVM, Hao NV, Baker S, et al. Hospital acquired colonization and infections in a Vietnamese intensive care unit. PLoS ONE. . 2018;13(9):. PubMed Google Scholar
  19. Hassuna N.A.. Molecular characterization of extended-spectrum β lactamase- producing E. coli recovered from community-acquired urinary tract infections in Upper Egypt. Scientific Reports. 2020;10:2772. PubMed Google Scholar
  20. Yasir M.. Molecular characterization, antimicrobial resistance and clinicobioinformatics approaches to address the problem of extendeds pectrum β-lactamase-producing Escherichia coli in western Saudi Arabia. Nature Scientific Reports. . 2018;8:14847. PubMed Google Scholar
  21. Soltani R.. Antimicrobial susceptibility pattern of extended-spectrum β-lactamase-producing bacteria causing nosocomial urinary tract infections in an Iranian referral teaching hospital. J Res Pharm Pract. . 2014;3(1):6-11. PubMed Google Scholar
  22. Kumar D.. Antimicrobial susceptibility profile of extended spectrum β-lactamase (ESBL) producing Escherichia coli from various clinical samples. Infect Dis (Auckl). . 2014;(7):1-8. PubMed Google Scholar
  23. Magiorakos P, Srinivasan A, Carey RB, Carmeli Y, Falagas ME, Giske CG, Harbarth S, Hindler JF. Multidrug-resistant, extensively drug-resistant and pandrug-resistant bacteria: an international expert proposal for interim standard definitions for acquired resistance. Clin Microbiol Infect. . 2011;18:268-281. PubMed Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 4 (2020)
Page No.: 910-920
Published: Dec 16, 2020
Section: Original Research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjns.v4i1.910

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, N., Phan, T., & Quyen, N. (2020). Antimicrobial resistance profile of extended- spectrum Beta-Lactamase producing Escherichia Coli at Ho Chi Minh City. Science & Technology Development Journal: Natural Sciences, 4(4), 910-920. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjns.v4i1.910

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 863 times
Download PDF   = 375 times
View Article   = 0 times
Total   = 375 times