VNUHCM Journal of

Natural Sciences

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

ISSN 2588-106X

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original Research

HTML

126

Total

49

Share

Knockdown duch (Drosophila ubiquitin carboxy−terminal hydrolase) play a role on the regulation of the oxidative stress in fruit fly eye






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

UCH−L1 is a ubiquitous protein in human neurons. The abnormal expression of UCH−L1 has been reported in several neurodegenerative diseases and cancers, suggesting a cellular function of UCH−L1. However, the role of UCH−L1 in tissue development remains poorly understood. Using Drosophila melanogaster, this paper presented the demonstration of the loss function of dUCH, a protein that is homologous to UCH−L1. This protein could exert an abnormal eye phenotype, increase reactive oxygen species in the eye imaginal disc and decrease the expression of the sod2, gstd1 and gstd2 antioxidant genes. Except for the induced abnormal eye phenotype, the effects of the decreased dUCH expression were ameliorated by feeding flies with 2.5 mM vitamin C. The results suggested that dUCH could affect the fly eye development by regulating the oxidative stress.

GIỚI THIỆU

Ubiquitin cacboxy−terminal hydrolase L1, UCH−L1, là một protein chiếm 1−2% protein tổng số ở não người. UCH−L1 là một thành phần trong hệ thống phân giải ubiquitin−proteasome (UPS) của tế bào. Các sai hỏng ở protein này đã được ghi nhận trên một số bệnh nhân mắc Parkinson, thoái hóa thần kinh 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , và gần đây cũng được ghi nhận ở một số loại ung thư 6 , 7 , 8 , 9 . Tuy nhiên, chức năng cụ thể của UCH−L1 trong tế bào vẫn chưa được hiểu rõ. Protein dUCH ở ruồi giấm là protein tương đồng của UCH−L1, với độ tương đồng là 43,7% 10 . Dòng ruồi biểu hiện bất thường dUCH ở tế bào thần kinh đã được sử dụng làm mô hình nghiên cứu bệnh Parkinson 11 .

Stress oxy hóa là trạng thái mất cân bằng giữa việc hình thành và phân giải các gốc oxy hóa tự do (ROS) như O 2 - và H 2 O 2 - là các sản phẩm trong quá trình hô hấp và chuyển hóa của tế bào. Rối loạn chuyển hóa ROS trong tế bào là một đối tượng nghiên cứu trong các bệnh thoái hóa tế bào thần kinh như Parkinson, Alzheimer, v.v. 12 , 13 , 14 , 15 , 16 . Cùng với đó, một số nghiên cứu cho thấy sự biểu hiện bất thường protein UCH−L1 ở người và dUCH ở ruồi giấm đều liên quan con đường điều hòa stress oxy hóa 17 , 18 , 19 , 20 . Tuy nhiên, chức năng cụ thể của dUCH trong quá trình điều hòa stress oxy hóa này vẫn chưa được biết rõ.

Mắt ruồi giấm Drosophila melanogaster có cấu trúc phức tạp bao gồm nhiều đơn vị mắt con tạo thành. Mỗi đơn vị mắt con lại bao gồm các loại tế bào khác nhau bao gồm: 8 tế bào thần kinh thụ cảm (R1−R8), bốn tế bào nón có chức năng hình thành lớp thấu kính của cụm mắt con, hai tế bào sắc tố cùng các liên bào khác. Tương ứng với sự phức tạp trong cấu trúc, mắt ruồi giấm phải trải qua một quá trình biệt hóa gồm nhiều bước được điều hòa chặt chẽ, song song với đó là các quá trình tăng sinh và chết đi của các tế bào 21 , 22 . Bởi vì các con đường tín hiệu tế bào điều hòa quá trình phát triển của mắt ruồi đã được biết khá rõ 22 , do đó, đây là mô hình thuận lợi để nghiên cứu vai trò chức năng của protein, gene trong quá trình phát triển của tế bào, mô.

Bài báo trình bày mô hình mắt ruồi giấm được sử dụng để khám phá mối liên quan giữa dUCH và quá trình điều hòa stress oxy hóa trong quá trình hình thành mắt ruồi.

VẬT LIỆU-PHƯƠNG PHÁP

Các dòng ruồi được sử dụng

Các dòng ruồi được sử dụng bao gồm: dòng giảm biểu hiện dUCH (UAS- duch -IR, V26468) từ Vienna Drosophila RNAi Center (VDRC). Dòng ruồi mang trình tự khởi đầu phiên mã đặc hiệu ở mắt ruồi−GMR-GAL4 trên nhiễm sắc thể X được sử dụng để định hướng mục tiêu ở mắt ruồi, như được mô tả ở một nghiên cứu khác 23 . Dòng ruồi hoang dại CantonS từ Drosophila Genetic Resource Center-Kyoto (DGRC) được sử dụng làm dòng đối chứng. Các dòng ruồi được nuôi dưỡng trong môi trường thạch 0,8%, 5% glucose và 5% nấm men. 50 mL môi trường nuôi ruồi cơ bản được bổ sung 250 uL L-ascorbic acid (vitamin C, A0278, Sigma Aldrich) 500 mM để tạo môi trường 2,5 mM vitamin C. Môi trường được bảo quản ở 4 o C trong điều kiện tránh sáng cho đến khi sử dụng.

Đánh giá biểu hiện dUCH bằng phương pháp nhuộm miễn dịch huỳnh quang

Đĩa mắt ấu trùng bậc ba giai đoạn muộn được tách trong PBS lạnh và ủ với PFA 4% ( w/v ) trong 30 phút ở nhiệt độ phòng. Mẫu sau đó được rửa 2 lần với PBS-Triton X-100 0,3% (w/v), mỗi lần 20 phút ở nhiệt độ phòng. Mẫu mô được ủ 20 phút với huyết thanh dê (NGS) 10%, Triton X-100 0,1% trong PBS ở nhiệt độ phòng. Tiếp theo, mẫu tiếp tục được ủ với kháng thể thỏ kháng dUCH (1:250) ở 4 o C trong 16 tiếng. Sau đó, mẫu được rửa 05 lần, mỗi lần 20 phút với dung dịch PBS-Triton X-100 0,3%, mẫu tiếp tục ủ 20 phút với NGS 10%, Triton X-100 0,1% trong PBS trước khi được ủ với kháng thể dê kháng kháng thể thỏ Alexa 488 (1:400) ở nhiệt độ phòng trong 2 tiếng, tránh sáng. Lặp lại bước rửa 05 lần với PBS-Triton X-100 0,3%. Mẫu sau đó được cố định trên lame trong dung dịch Vectashield Mounting. Kết quả được ghi nhận bằng kính hiển vi huỳnh quang Nikon ECLIPSE NI-U.

Đánh giá hàm lượng ROS bằng nhuộm H2DCF (dichlorodihydrofluorescein)

Đĩa mắt ấu trùng bậc ba giai đoạn muộn được tách trong PBS và ủ trong 300 μL CM−H 2 DCFDA (C6872, Invitrogen TM ) 10 μM trong 20 phút sau đó rửa lại 3 lần với PBS. Mẫu sau đó được ủ với PFA 4% (w/v) trong 10 phút. Tiếp theo, mẫu được đặt lên lame trong dung dịch Vectashield Mounting, kết quả được quan sát và ghi nhận bằng kính hiển vi đồng tiêu quét laser FV110i Fluo View. Hình ảnh được xử lý bằng phần mềm ImageJ (NIH Image).

Đánh giá biểu hiện g ene bằng kỹ thuật Realtime-PCR

Mỗi dòng ruồi được tách lấy 120 cặp đĩa mắt ấu trùng bậc ba trong PBS lạnh. Mẫu được tách chiết và tinh chế RNA tổng bằng TRISure TM (Meridian Bioscience). cDNA được tổng hợp từ RNA tổng bằng kit PrimeScript TM RT Reagent (ThermoFisher). Phản ứng realtime-PCR được thực hiện bằng hóa chất SensiFAST TM HRM Kit (Meridian Bioscience) trên máy Lightcycler 96 (Roche) với 45 chu kỳ PCR. Các trình tự phiên mã mục tiêu được khuếch đại đặc hiệu bằng các cặp mồi (DRSC FlyPrimer Bank) dRP49 F-R (5'−AGATCGTGAAGAAGCGCACC; 5'−CGATCCGTAACCGATGTTGG); sod1 F-R (5'−GGACCGCACTTCAATCCGTA; 5'−TGGAGTCGGTGATGTTGACC); sod2 F-R (5'−AAGTCGGGCAAACTGCAACT; 5'−GGACGCACGTTCTTGTACTG); gstd1 F-R (5'−CAACCGTGTCCACATTCGAG; 5'−GAGTCACCTTCTTGGCGTTC); gstd2 F-R (5'−TATCCCCTTTTCCGCACTGG; 5'−GTCGAGAAATCCAAACGCGG); gs F-R (5'−ATCGAAGACGGCCTTCAGTC; 5'−ACTTTGATCGTCTCCGCCAG), trong đó dRP49 là gene tham chiếu. Các gene mục tiêu được định lượng dựa trên gene tham chiếu bằng phương pháp 2 - Δ Ct 24 .

Phân tích kiểu hình mắt ruồi trưởng thành

Ruồi trưởng thành 01−03 ngày tuổi được gây mê và cố định trên lame. Hình ảnh mắt ruồi được quan sát trên kính hiển vi soi nổi ZMZ660 (Nikon) và được ghi nhận bằng máy ảnh kĩ thuật số. Đồng thời, kiểu hình mắt ruồi trưởng thành được ghi nhận chi tiết bằng kính hiển vi điện tử quét VE-7800 (Keyence Inc) trong môi trường chân không. Hình ảnh kết quả được xử lý bằng phần mềm ImageJ (NIH image).

Phân tích thống kê

Phân tích thống kê sử dụng kiểm định Student ( p< 0,05) không bắt cặp cho các so sánh giữa 02 nhóm. Các so sánh giữa nhiều nhóm (> 2) được phân tích bằng ANOVA một chiều. Các phân tích và biểu đồ được thực hiện bằng phần mềm Graphpad Prism 9.5 (GraphPad).

KẾT QUẢ

Giảm biểu hiện dUCH gây kiểu hình mắt nhám ở ruồi giấm Drosophila

Để xác nhận mối tương quan giữa dUCH và quá trình phát triển mắt ruồi, đã phân tích kiểu hình mắt ruồi trong trạng thái protein dUCH bị giảm biểu hiện bằng kỹ thuật RNAi. Dòng ruồi cái mang tổ hợp GMR-GAL4 trên nhiễm sắc thể X được lai với dòng ruồi đực mang cấu trúc UAS- duch-IR nhằm tạo ra dòng con F1 mang cấu trúc GMR-GAL4/+;+; duch -IR/+ giảm biểu hiện dUCH đặc hiệu ở mắt ruồi. Sự giảm biểu hiện của dUCH trong đĩa tiền phân sinh mắt ruồi được kiểm chứng bằng kỹ thuật nhuộm miễn dịch huỳnh quang với kháng thể kháng protein dUCH (anti-dUCH) ( Figure 1 ). Kiểu hình mắt ruồi sau đó được quan sát bằng kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử quét-SEM, độ nhám của mắt ruồi được phân tích bằng công cụ Flynotyper của phần mềm ImageJ.

Kết quả dưới kính hiển vi quang học cho thấy dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH đặc hiệu ở mắt có kiểu hình bất thường với các đặc điểm như mất sắc tố đỏ, biến động trong cấu trúc mắt con, bề mặt mắt nhám so với dòng đối chứng ( Figure 2 A, B). Kết quả hình ảnh SEM cho thấy rõ hơn sự mất cấu trúc cụm mắt con ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH, tại vùng trung tâm mắt không còn quan sát thấy cấu trúc cụm mắt con như ở dòng đối chứng ( Figure 2 A', A″, B', B″). Công cụ Flynotyper trên ImageJ được sử dụng để tính điểm mắt nhám-P score 25 , với điểm càng cao tương ứng với cấu trúc mắt bất thường càng nhiều. Kết quả cho thấy có sự khác biệt thống kê giữa hai dòng ruồi đối chứng và giảm biểu hiện dUCH ( Figure 2 C). Kết quả cho thấy protein dUCH rất cần thiết cho quá trình phát triển bình thường ở mắt ruồi giấm Drosophila .

Figure 1 . So sánh biểu hiện dUCH giữa dòng ruồi đối chứng và giảm biểu hiện dUCH. A: Dòng đối chứng; B: dòng giảm biểu hiện dUCH. Kết quả cho thấy tín hiệu dUCH giảm ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH so với dòng đối chứng. Thước đo =50 μm

Figure 2 . Giảm biểu hiện dUCH gây ra kiểu hình mắt nhắm ở ruồi giấm Drosophila . A, B: Hình ảnh quang học của dòng ruồi đối chứng GMR-GAL4/+;+;+ và dòng giảm biểu hiện GMR-GAL4/+;+; duch -IR/+, tương ứng; A', B', A″, B″: Hình ảnh SEM của kiểu hình mắt ruồi đối chứng và giảm biểu hiện dUCH, tương ứng; C: Điểm số kiểu hình mắt (P-score) được tính bằng Flynotyper của hai dòng ruồi. Kiểm định thống kê Student được sử dụng, với n­ 1 =30 , n 2 =30 , p< 0,0001. Thước đo = 50 μm.

Giảm biểu hiện dUCH gây ra stress oxi hóa ở đĩa tiền phân sinh mắt ấu trùng bậc ba

Nghiên cứu trước đây của Huynh và cộng sự cho thấy việc giảm biểu hiện dUCH ở các tế bào thần kinh vận động làm tăng ROS dẫn tới chết tế bào do apoptosis, thoái hóa cơ, giảm khả năng vận động ở ruồi giấm 20 . Từ các bằng chứng này, giả thuyết được đưa ra rằng việc giảm biểu hiện dUCH ở mắt ruồi cũng dẫn tới sự stress oxy hóa ở tế tế bào mắt. Để kiểm chứng giả thuyết trên, đĩa tiền phân sinh mắt ruồi ở giai đoạn biệt hóa ấu trùng bậc ba được nhuộm với H2DCF- là một chất chỉ thị của ROS. Kết quả thí nghiệm cho thấy ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH có sự gia tăng ROS rõ rệt ( Figure 3 A, B), và sự gia tăng này có ý nghĩa thống kê ( Figure 3 C).

Figure 3 . Giảm biểu hiện dUCH làm tăng hàm lượng ROS ở tế bào mắt ruồi. A, B: tín hiệu ROS ở đĩa mắt ruồi ấu trùng bậc ba của hai dòng ruồi đối chứng và ruồi giảm biểu hiện dUCH; C: So sánh tín hiệu ROS giữa dòng ruồi đối chứng và giảm biểu hiện dUCH. Kiểm định Student, n 1 =8, n 2 =10, p = 0,01. Thước đo = 50 μm.

Giảm biểu hiện dUCH tác động đến biểu hiện các gene kháng oxy hóa trong tế bào

Tiếp theo, nghiên cứu tiến hành phân tích sự biểu hiện của các gene liên quan đến quá trình điều hòa ROS trong tế bào ở ruồi giấm bằng kỹ thuật realtime, PCR. Các gene được khảo sát bao gồm: sod1 (Superoxide dismutase 1) hoạt động ở peroxisome; sod2 (Superoxide dismutase 2) hoạt động ở ty thể là các gene mã hóa cho enzyme phân giải các gốc ROS dạng O 2 - ; gs (Glutathione synthetase), gstd1 (Glutathione S transferase D1), gstd2 (Glutathione S transferase D2) mã hóa cho các enzyme phân giải các gốc ROS dạng H 2 O 2 - hoạt động ở tế bào chất.

Kết quả ở Figure 4 cho thấy có sự giảm biểu hiện của các gene sod2 , gstd1 , gstd2 , và gs ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH, với tỷ lệ biểu hiện của các gene so với dòng đối chứng lần lượt là 0,72; 0,49; 0,64 và 0,73. Trong khi đó, gene sod1 không cho thấy có sự thay đổi giữa dòng giảm biểu dUCH và dòng đối chứng. sod1 là gene hoạt động ở tế bào chất trong khi sod2 hoạt động ở ty thể. Sự khác nhau về ảh hưởng của việc giảm biểu hiện dUCH đối với hai gene này gợi ý về sự hoạt động của protein dUCH ở ty thể, như được quan sát thấy ở một số nghiên cứu khác 4 , 5 .

Các kết quả này cho thấy sự giảm biểu hiện protein dUCH đã làm tăng hàm lượng ROS, đồng thời làm giảm biểu hiện các gene tham gia vào quá trình phân giải các gốc O 2 - và H 2 O 2 - n ở giai đoạn phát triển tế bào mắt ruồi.

Figure 4 . So sánh mức độ biểu hiện các gene kháng oxy hóa giữa hai dòng ruồi đối chứng và giảm biểu hiện dUCH. Kiểm định Student, sod 1 ( p= 0,63), sod2 ( p= 0,002), gstd1 ( p= 0,0003), gstd2 ( p= 0,0004), gs ( p= 0,11).

Hiện tượng gia tăng của ROS do giảm biểu hiện dUCH có thể được cân bằng bởi vitamin C

Hiện tượng gia tăng ROS trong tế bào thần kinh do sự giảm biểu hiện dUCH có thể được cân bằng khi cho ruồi ăn vitamin C đã được báo cáo 19 , 20 . Do đó, việc đánh giá xem việc cho ăn vitamin C có thể làm giảm lượng ROS ở tế bào mắt ruồi giấm cũng như hồi phục cấu trúc mắt ở ruồi trưởng thành hay không. Ấu trùng ruồi giấm giảm biểu hiện dUCH đặc hiệu ở mắt được nuôi trong môi trường bổ sung vitamin C với nồng độ 2,5 mM từ giai đoạn ấu trùng mới nở cho đến giai đoạn ruồi trưởng thành. Sau đó đĩa tiền phân sinh mắt được tách và nhuộm với H2DCF như thí nghiệm ở trên. Các gene mã hóa enzyme phân giải ROS cũng được đánh giá bằng realtime-PCR. Cấu trúc mắt ruồi trưởng thành được quan sát dưới kính hiển vi quang học và SEM.

Kết quả cho thấy việc bổ sung vitamin C nồng độ 2,5 mM đã làm giảm hàm lượng ROS về mức bình thường ở dòng ruồi giảm biểu hiện protein dUCH ( Figure 5 A-D). Khảo sát biểu hiện của các gene kháng oxy hóa cũng cho thấy có sự tăng biểu hiện trở lại ở các gene sod1 , sod2 , gstd1 gstd2 với mức độ biểu hiện so với dòng đối chứng lần lượt là 1,67; 0,85; 0,89; 0,95 ( Figure 6 ). Tuy nhiên, không có sự thay đổi trên kiểu hình mắt ruồi trưởng thành giữa dòng giảm biểu hiện dUCH có và không có bổ sung vitamin C vào môi trường (Hình 7 A−A″, B−B″, C−C″).

Các kết quả này cho thấy sự gia tăng ROS cũng như sự giảm biểu hiện các gene có chức năng phân giải các gốc oxy hóa này ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH có thể được điều chỉnh bằng chất kháng oxy hóa vitamin C. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C không giúp cải thiện kiểu hình mắt nhám ở ruồi giảm biểu hiện duch ( Figure 7 ).

Figure 5 . Vitamin C giúp cân bằng hàm lượng ROS ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH. A, B, C: Tín hiệu ROS ở đĩa tiền phân sinh mắt của các dòng ruồi; D: So sánh tín hiệu ROS giữa các dòng ruồi. Kiểm định ANOVA một chiều, p< 0,0001. Thước đo = 50 μm.

Figure 6 . So sánh mức độ biểu hiện các gene kháng oxi hóa giữa các dòng ruồi đối chứng, giảm biểu hiện duch và giảm biểu hiện duch + vitamin C. Kiểm định ANOVA, sod 1 ( p< 0,0001), sod2 ( p= 0,0005), gstd1 ( p< 0,0001), gstd2 ( p< 0,0001), gs ( p= 0,13).

Figure 7 . Vitamin C không giúp cải thiện kiểu hình mắt nhám do giảm biểu hiện dUCH trên mắt ruồi giấm Drosophila . A, B, C: Hình ảnh quang học của dòng ruồi đối chứng, giảm biểu hiện duch và giảm biểu hiện duch + vitamin C, tương ứng; A’,B’,C’, A”, B”, C”: Hình ảnh SEM của kiểu hình mắt ruồi đối chứng, giảm biểu hiện duch và giảm biểu hiện duch + vitamin C, tương ứng. Thước đo = 50 μm. (D) Điểm số kiểu hình mắt (P-score) được tính bằng Flynotyper của ba dòng ruồi. Kiểm định thống kê ANOVA được sử dụng, với n 1 ( GMR>GAL4/+;+;+) =11 , n 2 ( GMR>GAL4/+;+;duch-IR/+) =11, n 3 (GMR>GAL4/+;+;duch-IR/+ VitC) =11, p n1,n3 < 0,0001, p n2,n3 < 0,92.

THẢO LUẬN

Protein UCH−L1 là một thành phần của hệ thống ubiquitin−proteasome tham gia điều hòa nhiều quá trình trong tế bào, tuy nhiên chức năng cụ thể của UCH−L1 vẫn chưa được xác định. Nhiều nghiên cứu cho thấy UCH−L1 có liên quan đến quá trình điều hòa stress oxy hóa trong tế bào. Việc khảo sát nhằm khám phá mối liên quan của protein dUCH, protein tương đồng với UCH−L1 ở ruồi giấm Drosophila, với quá trình stress oxy hóa trong quá trình phát triển mắt ruồi giấm.

Kết quả cho thấy việc giảm biểu hiện dUCH gây bất thường trong quá trình phát triển mắt ruồi, thể hiện ở kiểu hình mắt nhám. Đồng thời, việc giảm biểu hiện dUCH cũng gây ra sự rối loạn trong hệ thống điều hòa stress oxy hóa trong đĩa tiền phân sinh mắt. Đĩa tiền phân sinh mắt ruồi giấm giảm biểu hiện dUCH có sự gia tăng ROS. Đồng thời, có sự giảm biểu hiện gene của các enzyme thuộc hệ thống phân hủy ROS, bao gồm các gene sod2 , gstd1 , gstd2 . Bổ sung chất kháng oxy hóa vitamin C vào môi trường nuôi ruồi cho thấy có thể làm giảm lượng ROS gây ra bởi việc giảm biểu hiện dUCH về mức bình thường, cũng như quan sát thấy sự tăng biểu hiện trở lại của các gene sod2 , gstd1 , gstd2 . Tuy nhiên, kiểu hình mắt nhám không được cải thiện ở dòng ruồi giảm biểu hiện dUCH được cho ăn vitamin C.

KẾT LUẬN

Bài báo trình bày việc giảm biểu hiện dUCH, làm tăng ROS, đồng thời làm giảm biểu hiện các enzyme thuộc hệ thống phân hủy ROS ở tế bào mắt ruồi giấm. Các tác động này có thể được hồi phục một phần bởi vitamin C, một hợp chất kháng oxy hóa. Kết quả cho thấy, dUCH, ngoài tham gia vào con đường điều hòa stress oxy hóa, còn liên quan đến quá trình biệt hóa của mắt ruồi giấm Drosophila melanogaster .

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài: 562-2024-18-09/HĐ-KHCN

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

DGRC: Drosophila Genetic Resource Center-Kyoto

dUCH: Drosophila Ubiquitin C-terminal Hydrolase

H2DCF: dichlorodihydrofluorescein

NGS: huyết thanh dê

ROS: gốc oxy hóa tự do

SEM: Kính hiển vi điện tử quét

UCH-L1: Ubiquitin C−terminal Hydrolase L1

UPS: hệ thống phân giải ubiquitin-proteasome

VDRC: Vienna Drosophila RNAi Center

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả cam kết không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Đặng Thị Phương Thảo: Nêu ý tưởng nghiên cứu, hướng dẫn biện luận kết quả

Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Công Minh Huy: Thực nghiệm, biện luận kết quả

Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Thị Phương Thảo: Chuẩn bị bản thảo, chỉnh sửa/phản hồi phản biện, hoàn thiện bản thảo

References

  1. Leroy E, Boyer R, Auburger G,. The ubiquitin pathway in Parkinson's disease. Nature. 1998;395(6701):451−2. . ;:. Google Scholar
  2. Maraganore D, Farrer M, Hardy J, Case-control study of the ubiquitin carboxy-terminal hydrolase L1 gene in Parkinson’s disease. Neurology. 1999;53(8):1858. . ;:. Google Scholar
  3. Nishikawa K, Li H, Kawamura R, Alterations of structure and hydrolase activity of parkinsonism-associated human ubiquitin carboxyl-terminal hydrolase L1 variants. Biochemical and Biophysical Research Communications. 2003;304(1):176−83. . ;:. Google Scholar
  4. Setsuie R, Wang Y-L, Mochizuki H, Dopaminergic neuronal loss in transgenic mice expressing the Parkinson's disease-associated UCH-L1 I93M mutant. Neurochemistry International. 2007;50(1):119−29. . ;:. Google Scholar
  5. Bilguvar K, Tyagi NK, Ozkara C, Recessive loss of function of the neuronal ubiquitin hydrolase UCHL1 leads to early-onset progressive neurodegeneration. Proceedings of the National Academy of Sciences. 2013;110(9):3489−94. . ;:. Google Scholar
  6. Ummanni R, Jost E, Braig M, Ubiquitin carboxyl-terminal hydrolase 1 (UCHL1) is a potential tumour suppressor in prostate cancer and is frequently silenced by promoter methylation. Molecular Cancer. 2011;10(1):1−13. . ;:. Google Scholar
  7. Zhong J, Zhao M, Ma Y,. UCHL1 acts as a colorectal cancer oncogene via activation of the β-catenin/TCF pathway through its deubiquitinating activity. International Journal of Molecular Medicine. 2012;30(2):430−6. . ;:. Google Scholar
  8. Ding X, Gu Y, Jin M, et al. The deubiquitinating enzyme UCHL1 promotes resistance to pemetrexed in non-small cell lung cancer by upregulating thymidylate synthase. Theranostics. 2020;10(13):6048. . ;:. Google Scholar
  9. Liu S, González-Prieto R, Zhang M,. Deubiquitinase activity profiling identifies UCHL1 as a candidate oncoprotein that promotes TGFβ-induced breast cancer metastasis. Clinical Cancer Research. 2020;26(6):1460−73. . ;:. Google Scholar
  10. Tran HH, Dang SN, Nguyen TT, Drosophila ubiquitin C-terminal hydrolase knockdown model of Parkinson’s disease. Scientific Reports. 2018;8(1):1−14. . ;:. Google Scholar
  11. Thao DTP. Targeting UCH in Drosophila melanogaster as a model for Parkinson's disease. Frontiers in Bioscience. 2020;25:159−67. . ;:. Google Scholar
  12. Gaki GS, Papavassiliou AG. Oxidative stress-induced signaling pathways implicated in the pathogenesis of Parkinson’s disease. Neuromolecular Medicine. 2014;16:217−30. . ;:. Google Scholar
  13. Trist BG, Hare DJ, Double KL. Oxidative stress in the aging substantia nigra and the etiology of Parkinson's disease. Aging Cell. 2019;18(6):e13031. . ;:. Google Scholar
  14. Nandi A, Yan L-J, Jana CK, Role of catalase in oxidative stress -and age-associated degenerative diseases. Oxidative Medicine and Cellular longevity. 2019;2019(1):9613090. . ;:. Google Scholar
  15. Chaudhary A, Khare N, Dixit Y, Review on Parkinson’s disease, a Neurodegenerative disorder and the role of ceruloplasmin protein in It. International Journal for Research in Applied Sciences and Biotechnology. 2021;8(4):68−70. . ;:. Google Scholar
  16. Goodman LD, Bellen HJ. Recent insights into the role of glia and oxidative stress in Alzheimer's disease gained from Drosophila. Current Opinion in Neurobiology. 2022;72:32−8. . ;:. Google Scholar
  17. Choi J, Levey AI, Weintraub ST, Oxidative modifications and down-regulation of ubiquitin carboxyl-terminal hydrolase L1 associated with idiopathic Parkinson's and Alzheimer's diseases. Journal of Biological Chemistry. 2004;279(13):13256−64. . ;:. Google Scholar
  18. Choi J-E, Lee J-J, Kang W, Proteomic analysis of hippocampus in a mouse model of depression reveals neuroprotective function of ubiquitin c-terminal hydrolase L1 (UCH-L1) via stress-induced cysteine oxidative modifications. Molecular & Cellular Proteomics. 2018;17(9):1803−23. . ;:. Google Scholar
  19. Man Anh H, Linh DM, My Dung V, Evaluating dose-and time-dependent effects of vitamin C treatment on a Parkinson’s disease fly model. Parkinson’s Disease. 2019;2019(1):9720546. . ;:. Google Scholar
  20. Huynh TKT, Mai TTT, Huynh MA, Crucial roles of ubiquitin carboxy-terminal hydrolase L1 in motor neuronal health by Drosophila model. Antioxidants and Redox Signaling. 2022;37(4-6):257−73. . ;:. Google Scholar
  21. Cagan R. Principles of Drosophila eye differentiation. Current Topics in Developmental Biology. 2009;89:115−35. . ;:. Google Scholar
  22. Singh A, Kango-Singh M. Molecular genetics of axial patterning, growth and disease in the Drosophila eye: Springer; 2013. . ;:. Google Scholar
  23. Hirose F, Ohshima N, Shiraki M,. Ectopic expression of DREF induces DNA synthesis, apoptosis, and unusual morphogenesis in the Drosophila eye imaginal disc: possible interaction with Polycomb and trithorax group proteins. Molecular and Cellular Biology. 2001;21(21):7231−42. . ;:. Google Scholar
  24. Livak KJ, Schmittgen TD. Analysis of relative gene expression data using real-time quantitative PCR and the 2− ΔΔCT method. Methods. 2001;25(4):402−8. . ;:. Google Scholar
  25. Iyer J, Wang Q, Le T, Quantitative assessment of eye phenotypes for functional genetic studies using Drosophila melanogaster. G3: Genes, Genomes, Genetics. 2016;6(5):1427−37. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 4 (2024)
Page No.: 3238-3247
Published: Dec 31, 2024
Section: Original Research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjns.v8i4.1414

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, T., Nguyen, H., & Dang, T. (2024). Knockdown duch (Drosophila ubiquitin carboxy−terminal hydrolase) play a role on the regulation of the oxidative stress in fruit fly eye. VNUHCM Journal of Natural Sciences, 8(4), 3238-3247. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjns.v8i4.1414

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 126 times
PDF   = 49 times
XML   = 0 times
Total   = 49 times