Science & Technology Development Journal: NATURAL SCIENCES

An official journal of University of Science, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original Research

HTML

109

Total

35

Share

Geological and geomorphological characteristics of Du Cape at the Cam Mountain, Ninh Hai ward, Ninh Hoa district, Khanh Hoa province to serve as a basis for conservation and exploitation of tourism potential






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Du Cape, with the area of about 3 km2, is positioned at the eastern edge of the Cam Mountain, Ninh Hai ward, Ninh Hoa town, Khanh Hoa province. Possessing a north‒south direction, this shoreline section covers a length of about 2.5 km.The section comprisessedimentary cliffs of 15‒25 m. The natural landscape now is unspoiled and attractive. The cliffs consist of layers of sedimentary rock with varying slopes and orientations of 45‒63o at different locations. The northern part of the studied Du Cape has characteristic concave folds. The geological formation in the area, belonging to the La Nga Formation (J2ln). The lower part includes of claystone, siltstone, layered and banded sandstone. The upper part comprises layers of medium‒small‒grained sandstones with varied colors of brown, yellow‒brown and gray‒white. The rock is highly compressed and has a schist structure. Ammonite fossils are typical for the Jurassic period and this type of sedimenthas been discovered in some remaining ones. The topographicorigins of the studied Du Cape could be divided into two groups: erosive and accumulative. Its topographical surfaces are of 6 types: erosion‒landslide slope, eroded and eroded slope, multi‒origin accumulation surface of Quaternary age, sedimentary shelf of marine origin, strip of sand accumulation of marine origin, and deposition of coastal sand. The geological mapping and mineral prospecting methods are used to study in detail the geological and geomorphological features of the area. The obtained results showed that Du Cape merits to be developed into a geological heritage as well as a destination "mountain‒sea tourist area" combining with research and educational activities in the field of Earth Science.

M Ở ĐẦ U

Di sản địa chất (DSĐC) là một phần tài nguyên địa chất, được xem là có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Các thành phần của DSĐC bao gồm cảnh quan địa mạo, miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hoặc nhân tạo của đá và quặng, các di chỉ cổ sinh; các thành tạo, cảnh quan ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt; các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác v.v… Cũng như các di sản khác, DSĐC là tài nguyên không tái tạo được, cho nên cần được bảo tồn, quản lý và khai thác sử dụng hợp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Khu vực mũi Dù của núi Cấm, thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ( Figure 1 ) là khu vực còn khá hoang sơ, có nhiều cảnh quan đẹp và có giá trị về mặt địa chất, địa mạo cảnh quan, tuy nhiên chưa được nghiên cứu kỹ. Do đó, nghiên cứu các đặc điểm địa chất và địa mạo của khu vực này là cần thiết để đánh giá các giá trị của nó, đề xuất các phương hướng bảo tồn và khai thác hợp lý. Mục tiêu của bài báo là nghiên cứu chi tiết các đặc điểm địa chất, địa mạo của khu vực bằng phương pháp đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản nhằm xác định rõ các đặc điểm địa chất (địa tầng, thạch học, cổ sinh) và các đặc điểm địa mạo (kiến trúc hình thái bề mặt, nguồn gốc địa hình) của khu vực mũi Dù của núi Cấm. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học để xác lập khu vực thành một di sản địa chất, phục vụ định hướng bảo tồn và khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý.

Figure 1 . Sơ đồ địa hình khu vực mũi Dù của núi Cấm, thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

PH ƯƠ NG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu báo cáo kết quả đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản, các công trình nghiên cứu đặc điểm địa mạo tỉnh Khánh Hòa, các công trình nghiên cứu địa hình đáy, trầm tích đáy, các hóa thạch trong khu vực nghiên cứu của đồng tác giả Phạm Bá Trung và nnk.

Phương pháp lộ trình trong đo vẽ bản đồ địa chất được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền (QCVN 49:2012/BTNMT) của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2012, thu thập 40 mẫu thạch học, 7 mẫu trầm tích bở rời, thành lập bản đồ tài liệu thực tế phục vụ cho công tác vẽ bản đồ địa chất khu vực nghiên cứu ( Figure 2 ).

Phương pháp phân tích mẫu: thành phần hạt (3 mẫu), lát mỏng (15 mẫu), cổ sinh (thu thập và đối sánh các công trình đã nghiên cứu).

Phương pháp phân vùng địa mạo dựa vào kết quả giải đoán ảnh vệ tinh cùng các sơ đồ phụ trợ: phân cắt sâu; phân cắt ngang; độ dốc; phân tầng độ cao...

Tổng hợp tài liệu và viết bài báo.

Figure 2 . Sơ đồ tài liệu thực tế khu vực mũi Dù của núi Cấm, thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Đặ c đ i ể m đ ịa tầng

Theo tài liệu đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000, trên diện tích vùng nghiên cứu phân bố các thành tạo trầm tích được xếp vào hệ tầng La Ngà (J 2 ln ) 1 và các trầm tích bở rời Đệ tứ ( Figure 3 ).

Các đá trầm tích phân bố gần như toàn bộ khu vực nghiên cứu. Thành phần thạch học đặc trưng của hệ tầng là cát kết, sét kết, sét bột kết. Cát kết, sét kết, sét bột kết nằm xen kẹp nhau, phân lớp rõ, trong cát kết, sét bột kết chứa các kết hạch vôi. Phần trên phân lớp từ trung bình đến dày (0,1–0,5m) ( Figure 4 -A), phần dưới phân lớp mỏng (1–10cm) ( Figure 4 -B). Thề nằm không ổn định theo đường phương cũng như góc dốc do ảnh hưởng của kiến tạo mạnh mẽ, góc dốc thay đổi trong khoảng 45–63 o . Các đá bị nén ép mạnh, có cấu tạo phân phiến đôi chỗ tạo uốn nếp phức tạp ( Figure 4 -D,E,F). Do đó việc theo dõi các lớp đá khác nhau theo đường phương là rất khó khăn, đa số đá có phương hướng ra biển.Trong khu vực cũng ghi nhận một vài mạch có màu xám trắng, vi tinh, chiều rộng khoảng 0,5m xuyên cắt các lớp đá trầm tích ( Figure 4 -C).

Figure 3 . Sơ đồ địa chất khu vực mũi Dù của núi Cấm (Biên hội từ bản đồ địa chất và khoáng sản tờ Nha Trang (D-49-XXXII, tỷ lệ 1/200.000, Nguyễn Đức Thắng chủ biên). (Người biên hội: Lê Hữu Tuấn).

Figure 4 . Hình chụp tại mũi Dù (Người chụp: Lê Hữu Tuấn). A- Phần trên: Cát kết, sét kết phân lớp mỏng đến trung bình xen kẹp nhau, độ dốc lớn; B- Phần dưới: Cát kết, sét kết, sét bột kết phân lớp mỏng xen kẹp nhau, độ dốc lớn; C- Mạch đá phun trào xuyên cắt đá trầm tích; D- Sét kết bị nén ép mạnh có cấu tạo phân phiến; E- Một cánh nếp uốn bị gãy đổ; F- Nếp lõm trong khu vực khảo sát.

Hóa thạch đặc trưng là Cúc đá ( Dorsetensia , fontannesia.sp, euhoploceras ) ( Figure 5 ), Parvamussium donaisense (Mansuy) ( Figure 6 ), đây là những loài chỉ thị tuổi Jura; ngoài ra còn xuất hiện các di tích hoá thạch trên bề mặt đá phiến sét, dạng dải, màu xám Ophiomorpha isp., Thalassinoides isp., Paleophycus isp., Lockeia isp., Ophiomorpha isp., Skolithos isp., Myophorella isp. ( Figure 7 ) 2 .

Figure 5 . Hóa thạch Cúc đá trong sét kết. (Người chụp: Phạm Tuấn Long)

Figure 6 . Hóa thạch Parvamussium donaisense (Mansuy). (Người chụp: Phạm Tuấn Long)

Figure 7 . Các di tích hoá thạch trên bề mặt đá phiến sét, dạng dải, màu xám(A) (Người chụp: Phạm Bá Trung); Op: Ophiomorpha isp.; Th: Thalassinoides isp.; Pa: Paleophycus isp.; Lo: Lockeia isp., scale=5 cm. B: Ophiomorpha isp., scale=5 cm. C: Skolithos isp., scale=5 cm. D: Thalassinoides isp. E: Myophorella isp 2 .

Đặc điểm thạch học

- Cát kết: Đá có màu xám trắng, xám phớt vàng đến nâu vàng, rải rác các hạt nhỏ và các dải, lớp sẫm màu ( Figure 8 ). Ngoài một số lớp bình hàng, một số dải, lớp uốn lượn không đều ( Figure 9 ). Rải rác các ổ trám đầy bởi thành phần carbonate. Các ổ carbonate thường kéo dài và uốn lượn không đều. Đá có cấu tạo khối rắn chắc. Thành phần khoáng vật (%) gồm thạch anh (60‒70), sericit (15‒30), muscovit (2‒4), biotit (3), quặng (5‒7).

- Sét bột kết: Đá có màu xám trắng, xám xanh đến xám phớt nâu vàng ( Figure 10 ) rải rác các ổ trám đầy bởi thành phần carbonat. Các ổ carbonate thường kéo dài và uốn lượn không đều. Thành phần khoáng vật (%) gồm sericit (62), calcit (30), thạch anh (5), quặng (3).

- Sét kết: Đá có màu xám trắng, xanh đen đến xám phớt vàng, loang lổ các ổ lớn khoáng vật sẫm màu, hạt mịn, đôi chỗ rải rác các tinh thể hạt thô, một số chỗ bị nén ép mạnh có cấu tạo phân phiến ( Figure 11 ). Thành phần khoáng vật (%) gồm sericit (75‒85), thạch anh (5‒18), muscovit (2‒5), quặng (5).

Figure 8 . Cát kết (phần trên) màu xám vàng phân lớp trung bình xen kẹp sét kết màu xanh đen (Người chụp: Lê Hữu Tuấn)

Figure 9 . Cát kết (phần trên) màu nâu vàng uốn lượn không đều(Người chụp: Lê Hữu Tuấn)

Figure 10 . Sét bột kết (phần dưới) màu xám xanh . (Người chụp: Lê Hữu Tuấn)

Figure 11 . Sét kết, sét bột kết (phần dưới) màu xanh đen, xám vàng phân lớp mỏng xen kẹp nhau . (Người chụp: Lê Hữu Tuấn)

Đặc điểm khoáng vật

- Thạch anh: Dạng méo mó góc cạnh, tha hình, độ chọn lọc trung bình. Kích thước phổ biến 0,1x0,15mm. Dưới 1 nicol: Không màu, độ nổi thấp. Dưới 2 nicol: màu giao thoa xám trắng bậc I, không bị biến đổi ( Figure 12 A-1, Figure 12 A-2). Các kết hạch vôi thường kéo dài và uốn lượn không đều ( Figure 12 B-1, Figure 12 B-2).

- Sericit: Dạng vảy lấm tấm. Kích thước nhỏ (dưới 0,05mm). Dưới 1 nicol: không màu. Dưới 2 nicol: phân bố rải khắp lát mỏng, màu vàng cam rải rác, tập trung thành đám, dạng dải ( Figure 13 A-1, Figure 13 A-2). Kết hạch vôi dạng ổ kéo dài ( Figure 13 B-1, Figure 13 B-2).

- Plagioclas: Dạng lăng trụ tự hình đến nửa tự hình, kích thước phổ biến 0,5x0,9mm. Cấu tạo song tinh đa hợp theo luật albit. Biến đổi thứ sinh chủ yếu là sericit hóa. Dưới 1 nicol: không màu, mặt sần, độ nổi thấp. Dưới 2 nicol: màu giao thoa cao nhất xám trắng bật I.

- Muscovit: Dạng tấm nửa tự hình đến tha hình. Kích thước phổ biến 0,05x2mm. Dưới 1 nicol: không màu, không thấy rõ cát khai, độ nổi cao. Dưới 2 nicol: màu giao thoa cao nhất xanh bậc II, tắt thẳng, phân bố rải rác, trên nền sericit đôi chỗ tập trung thành ổ.

- Biotit: Dạng tấm nửa tự hình đến tha hình. Kích thước phổ biến 0,05x0,3mm. Dưới 1 nicol: màu nâu, có tính đa sắc, một số hạt có một hướng cát khai. Dưới 2 nicol: màu giao thoa cao nhất xanh bậc II, tắt thẳng.

- Quặng: Dạng tha hình, đẳng thước, phân bố rải rác. Kích thước thay đổi 0,02‒0,2mm. Tối đen, không thấu quang dưới 1 và 2 nicol.

Figure 12 . Lát mỏng cát kết dưới kính hiển vi phân cực, độ phóng đại 50x.

A-1,2. Thạch anh dạng méo mó, góc cạnh, độ chọn lọc trung bình (1 và 2 nicol); B-1,2. Kết hạch vôi uốn lượn kéo dài trong cát kết (dưới 1 và 2 nicol).

Figure 13 . Lát mỏng sét kết, cát kết dưới kính hiển vi phân cực, độ phóng đại 50x. A-1,2. Sericit dạng vảy, cấu tạo dạng dải trong sét kết (dưới 1 và 2 nicol); B-1,2. Kết hạch vôi dạng ổ trong sét bột kết (dưới 1 và 2 nicol).

Trầm tích Đệ tứ (Q)

- Trầm tích biển (mQ 2 2 ): Phổ biến dọc theo bờ biển tạo thành bậc thềm có độ cao 4-6m ( Figure 14 ). Thành phần trầm tích chủ yếu là cát thạch anh, ít ilmenit và các mảnh vỡ vỏ sò, san hô... phần giáp đáy thường có ít cuội, sỏi mài tròn tốt. Bề dày 4‒10m.

- Trầm tích biển (mQ 2 2-3 ): Tồn tại ở dạng dải đồng bằng thấp (2‒4m). Thành phần phía trên là cát, cát bột màu vàng, nâu nhạt xen ít lớp cát xám sáng, xám xanh, mùn thực vật; phía dưới gồm cát‒sét, cát có ít cuội, sỏi mài tròn kém, gắn kết yếu. Bề dày 2‒4m.

- Trầm tích biển‒đầm lầy (mQ 2 3 b): Thành phần trầm tích gồm cát, bột, ít sét, xác-mùn thực vật và các mảnh vỏ Mollusca . Trầm tích có màu xám sẫm, gắn kết yếu. Bề dày 1‒6m.

- Trầm tích biển‒gió (mvQ): Phân bố dạng cồn, đụn. Thành phần chủ yếu là cát thạch anh màu xám trắng, xám nhạt, ít ilmenit ở phần trên. Cát mịn hạt, chọn lọc tốt, hàm lượng SiO 2 chiếm tới 96‒98%. Phần dưới là sạn sỏi xen lẫn san hô, vỏ sò, ốc. Bề dày 3‒6m.

Figure 14 . Trầm tích bở rời Đệ tứ. (Người chụp: Lê Hữu Tuấn).

Đặ c đ i ể m đị a m ạ o

Trên cơ sở các tài liệu thu thập, nghiên cứu về địa mạo, địa chất trên toàn diện tích, có thể phân chia địa hình ra 2 nhóm nguồn gốc với 6 kiểu bề mặt 3 ( Figure 15 ).

Figure 15 . Sơ đồ địa mạo khu vực mũi Dù tại núi Cấm 3 .

Địa hình bóc mòn

- Sườn xâm thực, đổ lở: Phân bố phía động núi Cấm dọc ven biển. Sườn có trắc diện dọc thẳng với độ chênh cao địa hình 20–40m, độ dốc 20–45 o , đôi nơi tạo hẻm hoặc vách xâm thực có độ dốc rất cao>45 o . Quá trình địa mạo tác động lên sườn chủ yếu là bóc mòn xâm thực theo khe rãnh do sóng. Bề mặt sườn lộ ra hoàn toàn đá gốc ( Figure 16 -A).

- Sườn bóc mòn rửa trôi: Phân bố chủ yếu trên toàn núi Cấm. Trắc diện dọc của sườn có dạng thẳng hoặc lõm, độ chênh cao thường từ 100–200 m, với độ dốc 2–15 o . Cấu tạo nên bề mặt sườn là vỏ phong hóa, dày 3–8 m, gồm các đới: bột pha cát màu nâu đỏ, cát bột lẫn dăm sạnchuyển xuống đới phong hóa dở dang còn sót các tảng đá gốc lẫn dăm sạn. Ngoài ra còn cấu tạo bởi các trầm tích nguồn gốc biển dày 1–2m, gồm các đới cát bột xám trắng và cát bột lẫn vỏ sò ốc, san hô xen kẽ nhau ( Figure 16 -B).

Địa hình tích tụ

- Bề mặt tích tụ đa nguồn gốc tuổi Đệ tứ: Phân bố diện nhỏ ở phía Đông Bắc chân sườn núi Cấm. Thành phần đa nguồn gốc, mặt cắt quan sát được mô tả như sau ( Figure 17 -A ): (i) Lớp 1 dày 0,6 m: cát, bột vàng lẫn mảnh vỏ sò, ốc; (ii) Lớp 2 dày 0,4 m: cát, bột xám trắng, nhiều vỏ sò, ốc, san hô; (iii) Lớp 3 dày 0,8 m: cuội, sỏi (30%) là vật liệu phong hóa của cát kết, bột kết; san hô (70%); (iv) Lớp 4 dày 0,7 m: cát, bột xám trắng, vôi của vỏ sò, ốc.

- Thềm tích tụ nguồn gốc biển: Phân bố diện rộng ở phía Tây núi Cấm, rộng từ vài trăm mét tới một km, độ cao tương đối 4–8 m. Bề mặt thềm được cấu tạo bởi cuội sạn sỏi laterrit lẫn cát bột màu xám vàng chuyển lên cát bột màu xám xanh, dày 0,5–1 m, phần dưới được cấu tạo chủ yếu là san hô màu xám trắng. Thực vật chủ yếu là cây bụi thấp, xương rồng ( Figure 17 -C).

- Dải tích tụ cát nguồn gốc biển: Phân bố thành dải dọc theo bờ biển phía Nam–Tây Nam kéo dài khoảng 1,2 km, độ cao thay đổi từ 0,2–2m. Thành phần chủ yếu là cát màu xám trắng đến vàng, hạt mịn, độ chọn lọc tốt ( Figure 17 -B).

- Bãi tích tụ cát ngầm ven biển: Phân bố hầu hết dưới mặt nước biển kéo dài thành dải ở phía Đông Bắc và Tân Nam khu vực nghiên cứu. Bề rộng các bãi tích tụ thay đổi từ 50–300m 4 .

Figure 16 . A: Sườn xâm thực, đổ lở; B: Sườn bóc mòn rửa trôi. (Người chụp: Lê Hữu Tuấn).

Figure 17 . A: Mặt cắt bề mặt tích tụ đa nguồn gốc; B: Dải tích tụ cát nguồn gốc biển; C: Thềm tích tụ nguồn gốc biển. (Người chụp: Lê Hữu Tuấn).

Lịch sử phát triển địa chất vùng

Có lẽ vào Trias giữa, vùng mũi Dù của núi Cấm, bán đảo Hòn Gốm là phần lục địa rộng lớn của rìa đông nam khối Kon Tum. Hiện tượng xen kẽ của ryolit, felsit, dacit, ryodacit và tuf của chúng với cuội kết, cát kết, đá phiến sét thuộc hệ tầng Mang Giang chứng tỏ trong Trias giữa hoạt động núi lửa xảy ra tương đối rầm rộ ở đây. Hơn nữa, các hoá thạch thực vật Thân đốt Neocalamites sp. được tìm thấy trong cát kết hạt nhỏ xen sét‒silic 1 , 5 , 2 là bằng chứng về môi trường lục địa của các thành tạo trầm tích này, và như vậy, hoạt động núi lửa Trias giữa cũng xảy ra trong điều kiện lục địa.Vào Jura sớm và Jura giữa, ở đới ven biển vùng mũi Dù của núi Cấm, bán đảo Hòn Gốm, các trầm tích của hệ tầng Đray Linh (Jura hạ) và hệ tầng La Ngà (Jura trung) được thành tạo trong môi trường biển nông vì các trầm tích nói trên đều chứa các hoá thạch đặc trưng cho các môi trường ấy. Trong khu vực nghiên cứu đã phát hiện các hóa thạch như: Fontannesia.sp, Euhoploceras, Planammatoceras isp, Ophiomorpha isp, Thalassinoides isp., Paleophycus isp., Lockeia isp., Ophiomorpha isp., Skolithos isp., Myophorella i 2 . Trong Jura muộn - Creta hoạt động magma - kiến tạo rất mạnh mẽ làm khu vực nghiên cứu bị nâng lên mạnh. Đặc biệt là trong Creta, hoạt động núi lửa rất mạnh, các thành tạo phun trào felsic của hệ tầng Nha Trang tạo nên trường đá phun trào phân bố rộng rãi ở trong vùng, với nhiều khối núi tồn tại như những ngọn núi rìa lục địa và sau này trở thành đảo. Vẫn trong Creta nhưng muộn hơn một chút, hình thành các xâm nhập của phức hệ Đèo Cả, xuyên cắt trường đá phun trào felsic nói trên. Trong Paleogen, Neogen và Pleistocen, vùng mũi Dũ của núi Cấm, bán đảo Hòn Gốm chịu tác động mạnh mẽ của các quá trình xâm thực bóc mòn làm cho các khối đá xâm nhập của phức hệ Đèo Cả và các đá á núi lửa của hệ tầng Nha Trang lộ ra, tạo nên các khối núi thấp rìa lục địa xen các thung lũng phân cắt sâu 6 .

Định hướng bảo tồn và tiềm năng du lịch

Định hướng bảo tồn

Hội nghị quốc tế lần thứ hai về Bảo tồn Di sản địa chất và Cảnh quan thiên nhiên họp tại Malvern (nước Anh) vào tháng 7/1973 đã đi đến một Hiệp ước về Bảo tồn DSĐC. Việc phân loại DSĐC được thực hiện theo Tiêu chuẩn hân loại tạm thời các DSĐC của UNESCO gồm 10 kiểu như sau: A. Cổ sinh; B. Địa mạo; C. Cổ môi trường; D. Đá (magma, trầm tích, biến chất); E. Địa tầng; F. Khoáng vật (Khoáng sản); H. Kinh tế địa chất; I. Kiến tạo (lịch sử địa chất); K. Các vấn đề vũ trụ; L. Những đặc trưng địa chất tầm cỡ lục địa/đại dương 7 . Với những kết quả nghiên cứu về địa chất – địa mạo như trên, khu vực nghiên cứu thuộc 4 kiểu: cổ sinh, địa mạo, đá và địa tầng, trong đó giá trị về cổ sinh và địa mạo nơi đây đặc biệt quan trọng. Sự xuất hiện của hóa thạch ammonite, sinh vật chỉ thị thời kỳ địa chất kỷ Jura (cách đây khoảng 199,6 triệu năm) có giá trị cực kỳ quan trọng trong việc xác định tuổi tương đối của đá. Nơi đây cũng có địa mạo cảnh quan rất đẹp và hùng vĩ . Đây là cơ sở khoa học cho việc đánh giá để khu vực trở thành một di sản địa chất. Hiện nay khu vực chưa được quản lý chặt chẽ, một số nơi bị đào ao nuôi tôm và có dấu hiệu san lấp xây dựng các công trình dân dụng, các hóa thạch gỗ và cúc đá kích thước lớn đã bị khai thác bừa bãi từ nhiều năm trước. Mặt khác do đặc thù địa hình ven biển chịu tác động mạnh của các quá trình ngoại sinh, điều này đang tác động mạnh đến thay đổi địa hình – địa mạo nơi đây. Do đó công tác bảo tồn và quản lý là một vấn đề cẩn được quan tâm cấp thiết.

Trên cơ sở khoa học về các nghiên cứu các giá trị địa chất – địa mạo như trên cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đánh giá, thẩm định và xếp hạng khu vực mũi Dù của núi Cấm thành một DSĐC. Hầu hết các DSĐC ở Việt Nam đã được công nhận thì tiêu chí địa chất – địa mạo đóng vai trò quyết định (Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, quần đảo Cát Bà, hồ Ba Bể, ghềnh đá Đĩa ở Phú Yên, cao nguyên đá Đồng Văn…) 7 , vì vậy cần nâng cao vai trò đặc biệt quan trọng và tiên quyết của nhà địa chất cho việc phát triển các khu bảo tồn này. Bên cạnh các văn bản pháp quy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về DSĐC, làm cho người dân hiểu rõ ý nghĩa của DSĐC và khả năng không tái tạo được của nó, các giá trị khoa học, giá trị kinh tế và vai trò phát triển kinh tế xã hội của DSĐC.

Tiềm năng du lịch

Khu vực Mũi Dù của úi Cấm, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là một trong những điểm đến hấp dẫn tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Khu vực này có nhiều đặc điểm địa chất và địa mạo độc đáo có thể khai thác tiềm năng du lịch.

- Về địa chất: Khu vực này là một bán đảo hình chữ S,các lớp đá có độ dày mỏng, màu sắc, độ cứng, cấu tạo khác nhau. Có khu vực lớp đá tạo các nếp uốn phức tạp, có khu vực được sắp xếp theo chiều nghiêng, có nơi được xếp nằm chồng lên nhau. Sự thay đổi liên tục về cấu tạo hình dáng các lớp đá nơi đây tạo cảnh quan rất đẹp và thú vị, ngoài ra khu vực còn có nhiều vách núi, đá phân lớp có độ dốc cao tạo cảnh quan rất hùng vĩ ( Figure 18 -A và Figure 18 -B). Ninh Hải - Ninh Hòa có nhiều dòng suối, đồi núi xanh tươi, đá cuội và bãi biển đẹp.

- Về địa mạo: Mũi Dù có 2 bãi cát khá đẹp khoảng 300 mét và 500 mét với bãi cát ngầm trãi dài thích hợp làm bãi tắm ( Figure 17 -B). Ngoài ra, mũi Dù có những rặng san hô đầy màu sắc, là nơi lý tưởng để ngắm san hô và điều khiển tàu thuyền. Núi Cấm có đỉnh cao nhất là Đá Bàn, cao khoảng 100 m so với mực nước biển, là nơi thích hợp cho các chuyến leo núi và ngắm cảnh. Phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có nhiều bãi biển đẹp như đầm Vạn Long, bãi Dài, bãi Ninh Vân và nhiều đảo như đảo Hòn Tre, đảo Bình Ba.

Với các đặc điểm địa chất và địa mạo độc đáo, khu vực Mũi Dù ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là nơi thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển, đi bộ đường mòn, đi thuyền, ngắm san hô và leo núi. Khu vực cũng có tiềm năng cho các loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch mạo hiểm. Đồng thời, việc bảo tồn và khai thác du lịch cần được thực hiện bền vững và đảm bảo an toàn cho môi trường và con người.

Figure 18 . A: Các đá phân lớp có độ dốc cao; B: Vách núi có độ dốc cao, đá phân lớp tạo cảnh quan rất đẹp. (Người chụp: Phạm Bá Trung).

KẾT LUẬN

Khu vực nghiên cứu ở rìa phía đông của úi Cấm, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa có các đá trầm tích được xếp vào hệ tầng La Ngà (J 2 ln ), thành phần thạch học gồm sét kết, sét bột kết, cát kết phân lớp, phân dải (phần dưới), các lớp cát kết hạt trung–nhỏ, màu nâu, vàng nâu, xám trắng phân lớp trung bình đến phân lớp dày (ở trên). Đá có tính phân lớp với độ dốc cao dao động trong khoảng 45–63 o , có cấu tạo phân phiến. Tại đây, trong các lớp trầm tích còn phát hiện rất nhiều các hóa thạch gỗ, bút đá và cúc đá (ammonite, sinh vật chỉ thị thời kỳ địa chất kỷ Jura cách đây khoảng 199,6 triệu năm) đã được phát hiện từ nhiều thập kỷ trước.Thu thập được các di tích của một Cúc đá có đường kính 0,5–3,5 cm, cuộn chặt, gờ tô điểm rõ, được bảo tồn tốt như: Dorsetensia , Fontannesia.sp, Euhoploceras , ngoài ra còn nhiều di tích hoá thạch khác trong khu vực nghiên cứu. Trong khu vực xác định được 2 nhóm nguồn gốc địa hình bóc mòn và tích tụ với 6 kiểu bề mặt địa hình tương ứng gồm sườn xâm thực–đổ lở, sườn bóc mòn rửa trôi, bề mặt tích tụ đa nguồn gốc tuổi Đệ tứ, thềm tích tụ nguồn gốc biển, dải tích tụ cát nguồn gốc biển,bãi tích tụ cát ngầm ven biển.

Theo Tiêu chuẩn phân loại tạm thời các DSĐC của UNESCO, kết quả nghiên cứu về địa chất – địa mạo cho thấy khu vực nghiên cứu thuộc 4 kiểu: cổ sinh, địa mạo, đá và địa tầng. Đây là cơ sở khoa học cho việc tổ chức đánh giá, thẩm định và xếp hạng khu vực thành một di sản địa chất.

Mặt khác, đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành một “khu du lịch núi–biển” kết hợp với các hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực khoa học trái đất. Vì vậy, việc định hướng bảo tồn và khai thác tiềm năng phát triển du lịch cần được chú ý xem xét, đánh giá.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

DSĐC: Di sản Địa chất

QCVN: Quy chuẩn Việt Nam

BTNMT: Bộ Tài nguyên Môi trường

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Các tác giả đồng ý không có bất kì xung đột lợi ích nào liên quan đến các kết quả đã công bố.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Lê Hữu Tuấn: Thực địa, phân tích mẫu, viết bài và hoàn thiện. Phạm Tuấn Long: Thực địa, chỉnh sửa. Phạm Bá Trung: Thực địa, chỉnh sửa.

LỜI CẢM ƠN

Tập thể tác giả chân thành cảm ơn sự tài trợ kinh phí của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh đề tài cấp trường, mã số T2021-20.

Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn đề tài “Nghiên cứu, đánh giá đặc điểm cảnh quan, địa mạo – địa chất, tài nguyên sinh vật khu vực mũi Dù ở núi Cấm và biển liền kề thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn, khai thác hợp lý” đã cung cấp số liệu.

Các tác giả cũng chân thành cảm ơn các đồng nghiệp đã có những đóng góp quý báu trong quá trình hoàn thiện bài báo này.

Mặc dù có nhiều cố gắng , song không thể tránh khỏi các thiếu sót. Tác giả xin chân thành cám ơn mọi ý kiến đóng góp để bài báo có chất lượng cao hơn.

References

  1. Thắng NĐ (chủ biên).Địa chất và khoáng sản tờ Nha Trang (D-49-XXXII) tỷ lệ 1/200.000 (Bản đồ và bản thuyết minh). Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, Hà Nội, 1999. . ;:. Google Scholar
  2. Pokorný R, Ba Trung PB. The trace fossils in Da Lat basin (Nha Trang district, Khanh Hoa province, SE Vietnam). Geosci Res Rep. 2017;50:141-6. . ;:. Google Scholar
  3. Bình TV, Đàn NĐ. Phạm Bá Trung, Trịnh Minh cường. Đặc điểm địa mạo vịnh Nha Trang và lân cận. Tuyển tập nghiên cứu biển, Tập 21 số 2, trang 42 - 54, nhà xuất bản khoa học tự nhiên và công nghệ; 2015. . ;:. Google Scholar
  4. Phạm BT, Nguyễn ĐĐ, Trần VB, Trịnh MC. Đặc điểm địa hình đáy và trầm tích tầng mặt vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Tuyển tập nghiên cứu biển. . 2014;20:44-52. Google Scholar
  5. Tính T (chủ biên). Địa chất và khoáng sản tờ Tuy Hoà (D-49-XXVI) tỷ lệ 1/200.000 (Bản đồ và bản thuyết MINH. Cục Địa Chất và Khoáng Sản Việt Nam HàNội. 1998. . ;:. Google Scholar
  6. Miên ĐT, Ngọc N. Một số nét về địa chất và tiến hoá cổ địa lý bán đảo hòn Gốm (Khánh Hoà). Tạp Chí Địa Chất. 2001;267, trang 11-12. . ;:. Google Scholar
  7. Dánh T (Chủ biên). Báo cáo "Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam". Lưu trữ Địa chất, Hà Nội. . 2004;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 2655-2668
Published: Jun 30, 2023
Section: Original Research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjns.v7i2.1266

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, T., Pham, L., & Pham, T. (2023). Geological and geomorphological characteristics of Du Cape at the Cam Mountain, Ninh Hai ward, Ninh Hoa district, Khanh Hoa province to serve as a basis for conservation and exploitation of tourism potential. Science & Technology Development Journal: Natural Sciences, 7(2), 2655-2668. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjns.v7i2.1266

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 109 times
PDF   = 35 times
XML   = 0 times
Total   = 35 times